Thái Hoàng nhà Hán Vương_Chính_Quân

Mở đường cho ngoại thích

Năm Cánh Ninh nguyên niên (33 TCN), tháng 5, Hán Nguyên Đế băng hà. Thái tử Ngao lên nối ngôi, tức là Hán Thành Đế. Theo lệ của thời Tây Hán, những cung phi có con trai thụ phong làm Chư hầu Vương như Phó Chiêu nghiPhùng Chiêu nghi đều trở thành Vương thái hậu và cùng con trai của mình rời khỏi Trường An để đến đất phong, còn những người không có con đều sẽ di dời đến chỗ khác hoặc lên lăng viên phụng sự Tiên Đế. Trong hậu cung chỉ còn lại một mình Vương Chính Quân với danh vị Hoàng thái hậu độc tôn, và Cung Thành Thái hậu với danh vị Thái hoàng thái hậu.

Năm Hà Bình thứ 2 (27 TCN), Vương Thái hậu phong cho hàng loạt anh em trong nhà mình làm đại thần, nắm quyền điều hành triều đình nhà Hán: huynh trưởng Vương Phượng làm Tư mã đại tướng quân (司馬大將軍), tập tước Dương Bình hầu (阳平侯); em trai cùng mẹ là Vương Sùng (王崇) làm An Thành hầu (安成侯). Ngoài ra bà còn phong cho các em trai cùng cha khác mẹ là Vương Đàm (王譚) làm Bình A hầu (平阿侯); Vương Thương (王商) làm Thành Đô hầu (成都侯); Vương Lập (王立) làm Hồng Dương hầu (紅陽侯); Vương Căn (王根) làm Khúc Dương hầu (曲陽侯) và Vương Phùng Thì (王逢时) làm Cao Bình hầu (高平侯), được gọi là Ngũ hầu (五侯). Anh em họ Vương nắm hết quyền hành, Hán Thành Đế chỉ có ngôi vị trên danh nghĩa[17][18].

Mặc sự việc hiềm khích trước đây giữa Vương Chính Quân và Phó Thái hậu trong việc giành ngôi Thái tử, Hán Thành Đế vẫn rất thân thiết với người em trai Định Đào vương Lưu Khang, và thường xuyên gọi Lưu Khang về Trường An. Thành Đế có lần muốn lấy em là Định Đào vương Lưu Khang làm Trữ quân, nhưng bị Thái hậu và anh em họ Vương gạt đi. Vương Phượng mượn chuyện xảy ra nhật thực ép Thành Đế đuổi Lưu Khang về đất phong Định Đào, không cho gọi trở về Trường An nữa, Thành Đế đành chịu. Đại thần trong triều khi ấy là Vương Chương (王章) tức giận vì sự chuyên quyền của ngoại thích, bèn kiến nghị Thành Đế bãi chức họ. Vương Phượng bèn tranh thủ sự ủng hộ của Vương Thái hậu gây sức ép với Thành Đế, khiến Thành Đế phải xin lỗi Mẫu hậu, bắt giam Vương Chương. Sau đó, Chương bị chết trong ngục. Vương Phượng từ đây càng không nể sợ điều gì, ra sức tung hoành[19].

Năm Dương Sóc thứ 3 (22 TCN), Vương Phượng qua đời, Vương Chính Quân cho Vương Âm (王音) kế chức Đại tư mã. Năm Vĩnh Trị thứ 2 (15 TCN), Vương Âm mất, Vương Thái hậu cho Vương Thương nối chức. Vương Thương sau đó bị bệnh xin nghỉ, Thái hậu lại cho Vương Căn thay thế. Năm Tuy Hòa nguyên niên (8 TCN), Vương Căn xin từ chức, Thái hậu trao chức này lại cho người cháu, con trai của anh thứ trong nhà Thái hậu là Tân Đô Ai hầu Vương Mạn (王曼), chính là Tân Đô hầu Vương Mãng.

Vấn đề kế vị

Hán Thành Đế Lưu Ngao có rất nhiều phi tần, trong đó có Hứa Hoàng hậu cùng Ban Tiệp dư ban đầu rất được sủng ái. Do quá sủng ái Hứa hậu mà Hoàng hậu lại không có con, Vương Thái hậu cùng Vương Phượng khá buồn rầu, Vương Thái hậu thường khuyến khích Hoàng đế sủng hạnh thêm nhiều tần phi khác, hi vọng có thể có Hoàng tử. Dưới tác động của Vương Thái hậu, Hứa hậu dần thất sủng[20], Ban Tiệp dư cũng bị ghẻ lạnh[21], mà Hán Thành Đế quay sang tìm kiếm Tân sủng bên ngoài, nhanh chóng sủng ái hai chị em Triệu Phi Yến, lạnh nhạt với Hoàng hậu và Ban Tiệp dư[22].

Năm Hồng Gia thứ 3 (18 TCN), do chị gái Hứa hậu vô lễ với Vương Phượng, Vương Thái hậu tạo sức ép, Hán Thành Đế phế Hứa hậu[23]. Sau khi Phế hậu rồi, Thành Đế lại muốn lập Triệu Phi Yến làm Hoàng hậu thay thế, nhưng do Vương Thái hậu chê xuất thân Triệu thị mà chưa ưng thuận, Thành Đế được cháu gại bằng dì của Vương Thái hậu là Định Lăng hầu Thuần Vu Trường hiến kế truy phong cha của Triệu thị tước Hầu, do đó Vương Thái hậu mới bằng lòng. Em gái của Triệu hậu cũng trở thành Chiêu nghi[24].

Do không thể sinh con, Triệu Hoàng hậu và Triệu Chiêu nghi lo sợ địa vị của chị em mình sẽ lung lay nếu có người khác hạ sinh Hoàng tử, do đó bà luôn tìm cách tàn sát những cung tần có thai với Thành Đế để bảo đảm địa vị. Hán Thành Đế có 2 đứa con trai được sinh ra, một của Tào thị và một của Hứa thị, nhưng cả hai đều bị Triệu Chiêu nghi ra tay giết chết. Nàng ta còn ép cả hai cung nhân trên tự sát, rồi dùng mọi thủ đoạn từ hạ độc đến ra tay thẳng thắn những cung nhân nào có dấu hiệu được Thành Đế sủng hạnh. Sự điên dại trong việc truy sát của Triệu thị khiến Hán Thành Đế hoàn toàn tuyệt tự. Dù biết rõ những việc làm độc ác này song vốn là một Hoàng đế nhu nhược, Hán Thành Đế chỉ biết nuốt nước mắt nhìn cốt nhục của mình bị sát hại. Sự kiện này được Hán thư gọi là 「Yến trác hoàng tôn; 燕啄皇孙」.

Năm Nguyên Diên thứ 4 (9 TCN), do không có con trai, Hán Thành Đế bèn triệu em trai là Trung Sơn vương Lưu Hưng và cháu trai là Định Đào vương Lưu Hân, con của Định Đào Cung vương Lưu Khang, về Trường An để chọn người kế vị. Bà nội của Lưu Hân là Phó Thái hậu đã diện kiến Triệu Hoàng hậu cùng những hòm vàng bạc châu báu, mong Hoàng hậu nói giúp với Hán Thành Đế lập cháu mình đăng ngôi, quả nhiên sau đó Hán Thành Đế lập Lưu Hân làm Thái tử năm sau, tức Tuyên Hòa nguyên niên (8 TCN)[18][25].

Thái hoàng thái hậu

Năm Tuy Hòa thứ 2 (7 TCN), tháng 3, Hán Thành Đế khi đang triệu hạnh Triệu Chiêu nghi thì đột ngột băng hà. Thái tử Lưu Hân kế vị, tức Hán Ai Đế. Tân Hoàng đế tôn Hoàng thái hậu Vương Chính Quân là Thái hoàng thái hậu, lại tôn Hoàng hậu Triệu Phi Yến làm Hoàng thái hậu do vai trò quan trọng trong việc Lưu Hân đăng ngôi Thái tử. Còn Triệu Chiêu nghi bị Vương Thái hậu hạch tội mưu sát, do Hán Thành Đế chết khi đang lâm hạnh, do đó Triệu Chiêu nghi sợ tội nhảy giếng tự vẫn.

Nhìn thấy cục diện toàn do họ Vương của Vương Thái hậu nắm giữ, Hán Ai Đế không bằng lòng nên bắt đầu khơi mào chiến tranh ngoại thích. Ông trọng dụng toàn bộ gia tộc họ Phó của Tổ mẫu Phó Thái hậu và họ Đinh của Sinh mẫu Đinh Cơ. Do sự cạnh tranh của ngoại thích mới, nên Vương Mãng và họ Vương bị đẩy ra ngoài triều đình. Cao Xương hầu Đổng Hoành (董宏) tấu lên, lấy lý lẽ "Mẫu dĩ Tử quý" (母以子贵), cẩn tôn Đinh Cơ làm Thái hậu. Dưới áp lực của Đại tư mã Vương Mãng, cùng Khổng Quang và Sư Đan, Đổng Hoành bị cắt chức lưu đày. Hán Ai Đế sau đó đến Trường Tín cung, xin Vương Thái hậu tôn thụy cho Định Đào Cung vương làm Cung Hoàng, sau đó hạ chỉ tôn Phó Thái hậu làm Cung Hoàng thái hậu (恭皇太后) và Đinh Cơ được tôn làm Cung Hoàng hậu (恭皇后), thực ấp và thiện đãi đúng tiêu chuẩn của Thái hậu và Hoàng hậu triều Hán[26].

Cảm thấy dòng họ của mình đang bị chèn ép, Vương Chính Quân yêu cầu cháu trai Đại tư mã Vương Mãng từ chức, dùng kế "Khất hài cốt" (乞骸骨), nhưng Hán Ai Đế không duyệt chuẩn. Thừa tướng Khổng Quang (孔光), Đại tư không Hà Vũ (何武), Tả tướng quân Sư Đan (师丹) hiệp dâng tấu lên Thái hoàng thái hậu, nói:「"Hoàng đế nghe nói Thái hậu giáng chức Vương Mãng, phi thường thương tâm. Đại tư mã nếu không còn giữ chức, Hoàng đế cũng không dám nghe báo cáo và quyết định sự việc"」. Do đó Vương Chính Quân lại triệu Vương Mãng về triều[27]. Sự việc "Khất hài cốt" của Vương Mãng, biểu thị cảm tính khách khí của Hán Ai Đế đối với ngoại thích họ Vương, nhưng trên thực tế là cảm giác nghi kị họ Vương chuyên quyền, nên ban đầu còn phải lấy lòng, thế nhưng ngày càng lạnh nhạt[28]. Từ đấy về sau, Hán Ai Đế cùng Vương thị đấu tranh ngày càng kịch liệt. Tư Lệ giáo úy Giải Quang (解光) buộc tội Vương Căn hành vi phạm tội, Hán Ai Đế liền đem Vương Căn trục xuất kinh sư, cũng đem quan lại được Vương thị tiến cử kể hết bãi miễn. Nhân một yến tiệc ở Vị Ương cung, Nội giả lệnh vì Phó Thái hậu mà thiết màn trướng, ngồi trên Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân, bị Vương Mãng mắng:「"Định Đào Thái hậu bất quá cũng chỉ là một phiên thiếp mà thôi! Có thể nào cùng ngồi với bậc chí tôn?!"」. Nên màn trướng đó bị triệt đi[29]. Bị sỉ nhục, Hán Ai Đế càng đay nghiến ngoại thích họ Vương.

Năm Thái Sơ Nguyên Tương (5 TCN), Cung Hoàng thái hậu Phó thị được Hán Ai Đế tôn làm Đế thái thái hậu (帝太太后), sau đổi thành Hoàng thái thái hậu (皇太太后); Cung Hoàng hậu Đinh thị làm Đế thái hậu (帝太后), đồng thời ra chỉ biếm Vương Mãng đến Tân Dã, thế lực họ Vương chạm đến đáy vực.

Lấy lại thế cục

Đến năm Nguyên Xuân nguyên niên (2 TCN), niệm tình Vương Chính Quân đã già, mà tổ mẫu Phó Hoàng thái thái hậu đã mất, Hán Ai Đế cho Vương Mãng cùng Bình An hầu Vương Nhân trở về kinh sư, phụng dưỡng Vương Chính Quân. Năm Nguyên Xuân thứ 2 (1 TCN), Hán Ai Đế băng hà.

Nhân lúc Hán Ai Đế vừa băng, Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân đến ngay Vị Ương cung, bố trí tử đệ tiến hành đoạt lại triều đình. Trước khi lâm chung, Hán Ai Đế đã cho sủng nam Đổng Hiền giữ lấy ngọc tỷ truyền quốc, đến đây Thái hoàng thái hậu nghe Vương Hoành kiến nghị, đến ép Đổng Hiền giao ra ngọc tỷ[30]. Đổng Hiền là người phe họ Phó, hơn nữa là nam sủng của Hán Ai Đế, nên bị Vương Chính Quân triệu kiến, hỏi hắn quốc tang nên như thế nào điều hành, Đổng Hiền không thể nói, bèn cởi mũ tạ tội, Vương Chính Quân nói:「"Tân Đô hầu Vương Mãng từng lấy thân phận Đại tư mã mà cử hành lễ tang của Tiên đế (tức Hiếu Thành hoàng đế), nếu ngươi chưa biết, ta sẽ triệu hắn vào cung hướng dẫn ngươi"」. Ngày hôm đó, Thái hoàng thái hậu triệu Vương Mãng vào triều, trực tiếp đem Đại tư mã chức vị trả lại cho Mãng[31][32].

Trở lại tôn vị vốn có, Vương Chính Quân ép Triệu Phi Yến cùng Hoàng hậu của Ai Đế là Phó thị tự sát[33], còn lăng mộ của Phó Thái hậu cùng Đinh Cơ cũng bị khai quật, giáng tước[34]. Theo lời kiến nghị của Vương Mãng, bà bãi chức hết những người thân thích của họ Phó và họ Đinh. Vương Thái hậu cùng Vương Mãng lập cháu nội của Hán Nguyên Đế, con của Trung Sơn Hiếu vương Lưu Hưng là Lưu Kì Tử mới 9 tuổi lên nối ngôi, lấy danh nghĩa 「"Hậu tự thừa kế của Ai Đế"」, tức là Hán Bình Đế, sau đổi gọi là Lưu Khản. Vương Chính Quân lại xưng là Thái hoàng thái hậu như cũ, dù vào lúc này bà đã là bà cố (Tằng tổ mẫu) trên pháp định của Bình Đế. Nhân khi Bình Đế chỉ mới 9 tuổi, cần người phụ giúp, Thái hoàng thái hậu lâm triều, tuyên bố Vương Mãng phụ chính, phong An Hán công (安漢公), lại ra chiếu chỉ tuyên bố chính thức[35]. Chiếu viết:

夫赦令者,將與天下更始,誠欲令百姓改行絜己,全其性命也。性者有司多舉奏赦前事,累增罪過,誅陷亡辜,殆非重信慎刑,洒心自新之意也。及選舉者,其歷職更事有名之士,則以為難保,廢而弗舉,甚謬於赦小過舉賢材之義。對諸有臧及內惡未發而薦舉者,皆勿案驗。令士厲精鄉進,不以小疵妨大材。自今以來,有司無得陳赦前事置奏上。有不如詔書為虧恩,以不道論。定著令,布告天下,使明知之。

.

Phu xá lệnh giả, tương dữ thiên hạ canh thủy, thành dục lệnh bách tính cải hành kiết kỷ, toàn kỳ tính mệnh dã. Tính giả hữu tư đa cử tấu xá tiền sự, luy tăng tội quá, tru hãm vong cô, đãi phi trọng tín thận hình, sái tâm tự tân chi ý dã.

Cập tuyển cử giả, kỳ lịch chức canh sự hữu danh chi sĩ, tắc dĩ vi nan bảo, phế nhi phất cử, thậm mậu vu xá tiểu quá cử hiền tài chi nghĩa. Đối chư hữu tang cập nội ác vị phát nhi tiến cử giả, giai vật án nghiệm. Lệnh sĩ lệ tinh hương tiến, bất dĩ tiểu tỳ phương đại tài. Tự kim dĩ lai, hữu tư vô đắc trần xá tiền sự trí tấu thượng. Hữu bất như chiếu thư vi khuy ân, dĩ bất đạo luận.

Định trứ lệnh, bố cáo thiên hạ, sử minh tri chi.

— Chiếu ủy chính cho Vương Mãng của Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân

Không chỉ thanh trừng những người ngoại thích họ khác, Vương Mãng còn đối phó cả với những người cùng họ cản đường thăng tiến của mình. Vương Mãng hạch tội em Vương Chính Quân là Vương Lập (王立), xin bà bãi chức Lập. Vương Chính Quân thương em nên chần chừ không ra lệnh. Cuối cùng Vương Mãng gây sức ép buộc bà lệnh cho Vương Lập rời kinh đô. Sau đó, Vương Mãng lại dùng cách tương tự, kiến nghị bà đuổi một người cùng họ khác là Bình A hầu Vương Nhân (王仁)[36].

Làm mất nhà Hán

Biết Vương Chính Quân tuổi già thích hưởng lạc, Vương Mãng hàng năm đưa bà đi tuần du thiên hạ cùng các Phu nhân vương hầu. Vương Mãng phong cho các chị em của bà tước vị; Vương Quân Hiệp (王君俠) làm Quảng Ân quân (廣恩君), Vương Quân Lực (王君力) làm Quảng Huệ quân (廣惠君) và Vương Quân Đệ (王君弟) làm Quảng Thi quân (廣施君). Mùa hạ, Vương Mãng thường hầu Chính Quân đi xa tránh nắng, mùa thu đi Hoàng Sơn, Côn Minh hồ, mùa đông lên Trường Bình xem cảnh tuyết rơi. Đến đâu Vương Mãng cũng ban tặng tiền bạc cho nhân dân sở tại để mọi người ca ngợi mình, khiến cho bà càng thêm tin tưởng Vương Mãng là người đức độ, giao hết quyền hành[37][38].

Năm Nguyên Thủy thứ 5 (6), Vương Mãng đầu độc giết Hán Bình Đế, không con, lập cháu 5 đời của Hán Tuyên Đế là Lưu Anh mới 2 tuổi lên ngôi, tức là Nhũ Tử Anh. Vương Chính Quân lúc này vẫn tại vị Thái hoàng thái hậu như cũ. Lúc này, đại thần đều về phe Vương Mãng, nên giả cầu tình xin Vương Mãng hãy như Chu Công khi trước, phụ tá Chu Thành vương. Thái hoàng thái hậu không đồng ý, nhưng bất lực can ngăn, do đó Vương Mãng tự xưng làm Nhiếp Hoàng đế (摄皇帝)[39].

Năm Thủy Kiến Quốc nguyên niên (9), Vương Mãng phế Nhũ Tử Anh làm Định An công và lên ngôi Hoàng đế, lập ra nhà Tân.

Vào khi ấy Thái hoàng thái hậu Vương Chính Quân nắm giữ ngọc tỷ truyền quốc, Vương Mãng sai An Dương hầu Vương Thuấn vào đòi. Lúc đó, Thái hoàng thái hậu cực kỳ tức giận, khóc mắng Vương Mãng là gian thần[40], nói rằng:「"Cha con các ngươi đều là ăn bổng lộc của Hán triều, thế rồi ngày nay mới có thể điện hiển đại quý. Các ngươi không có tâm báo ơn thì đã đành, bây giờ vào lúc Hán triều cần người gửi gắm nhất, thì lại đang tâm cướp đi quốc gia! Hoàn toàn không màng ân nghĩa chi đạo! Làm người như thế, thật là heo chó không bằng, Thiên tử như thế nào lại có thể loại huynh đệ như ngươi?! Hơn nữa nếu các ngươi tự cho là được đến thiên mệnh mà trở thành Tân hoàng đế, muốn thay đổi chính sóc phục chế, nên chính mình làm tân ngọc tỷ, truyền lưu muôn đời, thế còn màng đến cái ngọc tỷ mang điềm xấu mất nước này làm gì chứ?! Ta bất quá cũng chỉ là một lão góa phụ của Hán thất, có lúc sẽ mất đi, nên muốn đem ngọc tỷ này chôn cùng, các ngươi chung quy là không chiếm được!”」.

Nói đoạn, Vương Chính Quân khóc lóc thảm thiết, kẻ hầu người hạ cũng đều khóc. Vương Thuấn tuy cảm thấy bi ai, nhưng qua hồi lâu vẫn là nói:「“Chúng thần đã không lời nào để nói, nhưng Vương Mãng vẫn cứ nhất định phải bắt được truyền quốc ngọc tỷ"」. Vương Chính Quân biết Vương Mãng là muốn uy hiếp đến cùng, rồi cầm ngọc tỷ ném xuống đất. Ngọc tỷ bị ném mạnh nên sứt một góc, nói với Vương Thuấn rằng:「"Ta đã chết già, có các ngươi như vậy, là sẽ cùng ta diệt tộc!"」. Vương mãng có được ngọc tỷ thì rất cao hứng, lấy danh nghĩa Thái hoàng thái hậu mà mở tiệc tại Vị Ương cung[41]. Về sau, Vương Mãng phải sai lấy vàng khảm vào chỗ bị sứt đó.